Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3887288
   NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ CÀNG CAO, CƯƠNG VỊ CÀNG LỚN CÀNG PHẢI GƯƠNG MẪU!

    Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) diễn ra từ ngày 2 đến 6-10 tập trung thảo luận là Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng. Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, việc tiếp tục đề cao trách nhiệm nêu gương của đảng viên, đặc biệt là đảng viên nắm giữ trọng trách cao trong chính quyền là điều tiên quyết cần làm.

    Nhớ lại trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Người từng nói: “Một trăm bài diễn thuyết hay, không bằng một tấm gương sống” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

     Những căn dặn và việc làm của Người đã trở thành bài học lớn xuyên suốt mà mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập và noi theo. Trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình; đến trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ. Muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương thì cán bộ đảng viên phải luôn thực hiện “nói đi đôi với làm” và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương. Với đảng viên cấp cao thì việc “nói đi đôi với làm” càng cần phải được thực hiện nghiêm hơn nữa…

    Cách đây hơn 6 năm, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QÐ/TƯ (ngày 7-6-2012) quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định nêu rõ 7 nội dung nêu gương, gồm:

     Về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình, phê bình; về quan hệ với nhân dân; về trách nhiệm trong công tác; về ý thức tổ chức kỷ luật; về đoàn kết nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng đề cập đến vấn đề nêu gương của cán bộ, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng Đảng.

     Thực tiễn thời gian qua cho thấy, không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi. Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian gần đây nghiêm khắc xử lý nhiều cán bộ vi phạm cho thấy lo ngại về sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ đảng viên là có cơ sở.         
     Sai phạm nghiêm trọng của một số cá nhân khiến lòng tin của dân với Đảng bị xói mòn vì họ từng được giao chức trách quan trọng nhưng “nói không đi đôi với làm” để đôi bàn tay "nhúng chàm”. Ngược lại, xử nghiêm những “con sâu” vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật chính là củng cố niềm tin của dân vào sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Rõ ràng, thực tiễn xây dựng đất nước hiện nay đòi hỏi cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu! Người lãnh đạo cấp cao phải nhận thức rõ và thực hiện tốt vai trò thủ lĩnh của mình trong cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Trước thực trạng “cả họ làm quan” ở nhiều địa phương, người lãnh đạo phải làm gương cho việc không “dùng người nhà”. Khi cái “lò” chống tham nhũng đang rực cháy, người đứng đầu phải thực sự quyết tâm chống tham nhũng; nếu ai nhụt chí thì phải kiên quyết đưa sang một bên vì đã gây cản trở công việc cấp bách nhất của Đảng. Sự cấp bách, tính phức tạp của vấn đề đang đặt ra câu hỏi: Làm sao để bảo đảm hiệu quả thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp chiến lược? Thiết nghĩ, quy định về sự nêu gương của đảng viên cần được xây dựng theo nguyên lý: “Có xây có chống, xây trước, chống sau”, trong đó, cán bộ cấp cao phải gương mẫu thực hiện 9 điểm liên quan đến mối quan hệ với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, chức trách, nhiệm vụ, gia đình… Từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng phải nghiêm khắc với bản thân (hiểu rõ việc không nên làm, không được làm). Mặt khác, phải làm tốt hơn nữa công tác kê khai tài sản, thu nhập… hằng năm của cán bộ cấp cao; có bộ phận chuyên trách giám sát công việc này. Trong thời đại công nghệ thông tin, hình ảnh các nhà lãnh đạo đều được nhân dân xem xét, đánh giá rất nhanh, rất kỹ. Việc tốt, việc xấu đều được lan truyền rất rộng, rất nhanh. Người lãnh đạo biết làm gương, biết giữ gìn hình ảnh của chính mình cũng là góp phần giữ gìn hình ảnh chung của tập thể, của quốc gia. Tính thuyết phục của sự nêu gương là ở đó. Và điều này gắn liền với những việc bình thường trong cuộc sống, trong lối sống của mỗi người. Những cán bộ có đủ cả “uy” và “tín” chắc chắn là những người thường xuyên nêu gương về mọi mặt, được nhân dân nể trọng và kính phục.

 ttxvntongbithunguyenphutrong11206.jpg

Sáng: 7h30 - 11h30 | Chiều: 13h30 - 17h