Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) diễn ra từ ngày 2 đến 6-10 tập trung thảo luận là Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng. Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, việc tiếp tục đề cao trách nhiệm nêu gương của đảng viên, đặc biệt là đảng viên nắm giữ trọng trách cao trong chính quyền là điều tiên quyết cần làm.
Sai phạm nghiêm trọng của một số cá nhân khiến lòng tin của dân với Đảng bị xói mòn vì họ từng được giao chức trách quan trọng nhưng “nói không đi đôi với làm” để đôi bàn tay "nhúng chàm”. Ngược lại, xử nghiêm những “con sâu” vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật chính là củng cố niềm tin của dân vào sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Rõ ràng, thực tiễn xây dựng đất nước hiện nay đòi hỏi cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu! Người lãnh đạo cấp cao phải nhận thức rõ và thực hiện tốt vai trò thủ lĩnh của mình trong cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Trước thực trạng “cả họ làm quan” ở nhiều địa phương, người lãnh đạo phải làm gương cho việc không “dùng người nhà”. Khi cái “lò” chống tham nhũng đang rực cháy, người đứng đầu phải thực sự quyết tâm chống tham nhũng; nếu ai nhụt chí thì phải kiên quyết đưa sang một bên vì đã gây cản trở công việc cấp bách nhất của Đảng. Sự cấp bách, tính phức tạp của vấn đề đang đặt ra câu hỏi: Làm sao để bảo đảm hiệu quả thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp chiến lược? Thiết nghĩ, quy định về sự nêu gương của đảng viên cần được xây dựng theo nguyên lý: “Có xây có chống, xây trước, chống sau”, trong đó, cán bộ cấp cao phải gương mẫu thực hiện 9 điểm liên quan đến mối quan hệ với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, chức trách, nhiệm vụ, gia đình… Từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng phải nghiêm khắc với bản thân (hiểu rõ việc không nên làm, không được làm). Mặt khác, phải làm tốt hơn nữa công tác kê khai tài sản, thu nhập… hằng năm của cán bộ cấp cao; có bộ phận chuyên trách giám sát công việc này. Trong thời đại công nghệ thông tin, hình ảnh các nhà lãnh đạo đều được nhân dân xem xét, đánh giá rất nhanh, rất kỹ. Việc tốt, việc xấu đều được lan truyền rất rộng, rất nhanh. Người lãnh đạo biết làm gương, biết giữ gìn hình ảnh của chính mình cũng là góp phần giữ gìn hình ảnh chung của tập thể, của quốc gia. Tính thuyết phục của sự nêu gương là ở đó. Và điều này gắn liền với những việc bình thường trong cuộc sống, trong lối sống của mỗi người. Những cán bộ có đủ cả “uy” và “tín” chắc chắn là những người thường xuyên nêu gương về mọi mặt, được nhân dân nể trọng và kính phục.
Sáng: 7h30 - 11h30 | Chiều: 13h30 - 17h