Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3887288

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG VÀ CHẨN ĐOÁN BỆNH GOUT

Gút là bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hoá purine, làm tăng acid uric trong máu, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urate ở tổ chức (bao hoạt dịch khớp, các tổ chức quanh khớp, ống thận và nhu mô thận).

 

1. Khái niệm bệnh gút

          Gút là bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hoá purine, làm tăng acid uric trong máu, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urate ở tổ chức (bao hoạt dịch khớp, các tổ chức quanh khớp, ống thận và nhu mô thận).

          Bệnh thường gặp ở nam (90%), thường khởi phát ở độ tuổi từ 35 đến 45 tuổi

2. Biểu hiện lâm sàng

          Tiến triển tự nhiên của bệnh gút được chia làm 3 giai đoạn:

- Tăng acid uric máu không có triệu chứng lâm sàng.

- Bệnh gút cấp.

- Bệnh gút mạn tính.

2.1. Giai đoạn tăng acid uric máu

          Tăng acid uric máu không triệu chứng được định nghĩa là tình trạng tăng acid máu trên 416 mmol/l mà không có triệu chứng lâm sàng của cơn gút cấp.

         Chỉ khoảng 10 – 20 % phát triển thành bệnh gút với các biểu hiện lâm sàng. Ở giai đoạn này tăng acid uric máu không có triệu chứng lâm sàng, chỉ được phát hiện khi được làm xét nghiệm acid uric máu, là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh gút và yếu tố nguy cơ tim mạch 

2.2. Bệnh gút cấp

- Cơn gút cấp điển hình:

+ Vị trí và số lượng khớp viêm: Thường gặp ở các khớp chi dưới, 80% khởi phát ở một khớp như khớp bàn ngón chân cái hoặc khớp gối hoặc khớp bàn ngón chân khác, trong đó 60-70% khởi phát ở khớp bàn ngón chân 1. Đôi khi khởi phát tại điểm bám gân, bao gân (Achille) hoặc thậm chí là mô mềm như viêm mô tế bào (tại mu chân, cổ chân, mắt cá chân).

+ Hoàn cảnh xuất hiện: Cơn thường xuất hiện tự phát, đột ngột vào ban đêm, sau một bữa ăn hoặc uống rượu, bia quá mức; sau chấn thương; sau can thiệp phẫu thuật; sau một đợt dùng thuốc: aspirin, lợi tiểu (thiazid, furosemmid), ethambutol, thuốc gây huỷ tế bào... 

+ Tính chất khớp viêm:

* Khớp đau dữ dội, bỏng rát, đau đến cực độ sau khoảng 12 đến 24 giờ. Đau chủ yếu về đêm, làm mất ngủ. Thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, đôi khi sốt 38-39 độ C.

* Khám khớp bị tổn thương thấy sưng, nóng, đỏ, đau. Nếu là khớp lớn thường kèm tràn dịch, khớp nhỏ thì phù nề.

* Đáp ứng tốt với điều trị bằng colchicine, các triệu chứng viêm thuyên giảm hoàn toàn sau 48 giờ dùng cochicin.

* Với những cơn gút cấp ở giai đoạn đầu thường khỏi nhanh sau vài ngày đến 1-2 tuần, thậm chí không điều trị gì.

Sau khi cơn gút cấp khởi phát và kết thúc, đợt cấp thứ hai có thể xuất hiện sau vài tháng đến vài năm, giữa các đợt cấp hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng. Lúc đầu, khoảng thời gian giữa các đợt cấp dài, nhưng sau đó các đợt cấp xuất hiện ngày càng nhiều, khởi phát ít cấp tính hơn, thời gian viêm kéo dài hơn và tổn thương nhiều khớp hơn. Rất hiếm bệnh nhân không xuất hiện cơn gút thứ hai

.

Ở giai đoạn giữa các đợt cấp các khớp đã bị tổn thương hầu như không có triệu chứng lâm sàng nhưng các vi tinh thể urat vẫn tiếp tục lắng đọng. Vì vậy có thể tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp và phát hiện các tổn thương xương trên phim chụp Xquang.

Cuối cùng, sau khoảng 5 đến 10 năm với các đợt gút cấp, bệnh tiến triển thành gút mạn có hạt tô phi. Lúc này các biểu hiện lâm sàng, sinh hoá, X-quang là biểu hiện của sự tích luỹ urat ở các mô như: sụn khớp, bao khớp, dây chằng, phần mềm, thận, tim..., tạo nên những bệnh cảnh viêm nhiều khớp, phá hủy và biến dạng khớp, tổn thượng thận (sỏi thận, viêm cầu thận, viêm thận kẽ, suy thận)

2.3. Bệnh gút mạn tính

          Đây là giai đoạn viêm khớp kéo dài không dứt, sau đợt viêm cấp các khớp bị tổn thương không trở về bình thường và có thể vẫn sưng hoặc người bệnh xuất hiện các hạt tôphi. Trong giai đoạn này có những đợt viêm khớp nặng lên.

Hạt tôphi dưới da bắt đầu xuất hiện ở xung quanh khớp và bao hoạt dịch, đặc biệt là ở mắt cá ngoài cổ chân, khớp bàn ngón chân, quanh khớp gối và khớp khuỷu, dọc theo gân ở bàn tay và bàn chân, quanh các khớp đốt ngón gần và xa ở bàn tay. Các hạt tôphi thường chắc và di dộng, da phủ phía trên có thể bình thường hoặc mỏng và đỏ. Khi các hạt vỡ ra bề mặt, chất lắng đọng trông như phấn và có màu kem hoặc vàng nhạt. Hạt tôphi có thể xuất hiện ở những nơi không liên quan đến khớp như vành tai, trong nội tạng như cơ tim, ngoại tâm mạc, van động mạch chủ, ngoài màng cứng cột sống.

          Hạt tôphi xuất hiện là do sự lắng đọng mạn tính các tinh thể urat vào tổ chức, gây phá hủy cấu trúc tổ chức (khớp)..

Hạt Tôphi

Hình 2: Hạt tôphi ở bàn tay và vành tai


-X-quang có tổn thương xương là các khuyết và các hốc (vị trí hạt tôphi), triệu chứng rất có giá trị gợi ý: dạng móc câu, hẹp khe khớp, gai xương thứ phát, đôi khi rất nhiều gai.

Hình ảnh tổn thương xương trên phim X-quang ở bệnh nhân gút mạn tính.


3.Biến chứng:

Có 2 biến chứng chính của bênh gout là sỏi thận và bệnh thận do lắng đọng tinh thể urat

4.Thay đổi lối sống và các chiến lược dự phòng bệnh 

Tăng acid uric máu và bệnh gút thường đi kèm với một hoặc nhiều rối loạn chính, chẳng hạn như tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường và tăng lipid máu.





Do đó, tùy thuộc vào các bệnh đi kèm hiện tại, việc điều chỉnh lối sống và thay đổi chế độ ăn cho người bị gút bao gồm:

- Quản lý các bệnh đi kèm thông thường: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu

- Giảm đến trọng lượng cơ thể đến khi đạt được cân nặng lý tưởng

- Thay đổi thành phần chế độ ăn uống : Tăng cường protein thực vật, giảm protein động vật, giảm các loại đồ ăn thức uống chứa nhiều đường, ăn nhiều rau xanh, hoa quả

- Giảm uống rượu 









Sáng: 7h30 - 11h30 | Chiều: 13h30 - 17h