Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3887288

ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA THÀNH PHỐ THANH HÓA

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở những thời điểm giao mùa Khoa Truyền Nhiễm Bệnh viện đa khoa Thành phố Thanh Hóa tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue.


1.Thế nào là sốt xuất huyết Dengue: Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 týp thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh:

unnamed.png 

 

2.Biểu hiện lâm sàng:

– Bệnh nhân sốt cao đột ngột, liên tục 2 đến 7 ngày.

- Đau đầu, đau mỏi cơ khớp, đau hai hố mắt.

– Chán ăn, buồn nôn, có thể có rối loạn tiêu hóa.

– Khám thấy gan to, có thể gặp một trong các hình thái xuất huyết như: Dấu hiệu dây thắt (+), xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng.

– Có thể thấy tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng.

– Trường hợp nặng có suy đa tạng như suy gan cấp, suy tuần hoàn.

– Xét nghiệm công thức máu Bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm, Hematocrit tăng, SGOT và SGPT tăng, trường hợp nặng có rối loạn đông máu.

– Để chẩn đoán xác định sốt xuất huyết Dengue làm xét nghiệm tìm kháng nguyên NS1, xét nghiệm ELISA tìm kháng thể IgM và IgG, phân lập vi rút PCR.

Lâm sàng bệnh sốt xuất huyết Dengue  được chia làm 3 mức độ( theo tổ chức y tế thế giới WHO):

+ Sốt xuất huyết Dengue:

Biểu hiện lâm sàng, sốt cao đột ngột liên tục từ 2 – 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau

– Có dấu hiệu dây thắt (+), chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

– Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

– Da xung huyết, phát ban.

– Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

– Xét nghiệm máu Hematocrit bình thường hoặc tăng. Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm. Số lượng Bạch cầu thường giảm.

 

+ Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

Bao gồm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau:

– Vật vả, li bì.

– Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

– Gan to lớn hơn 2cm.

– Nôn nhiều.

– Xuất huyết niêm mạc nhiều.

– Tiểu ít.

– Xét nghiệm máu Hematocrit tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh chóng.

+ Sốt xuất huyết Dengue nặng

Khi người bệnh có một trong các biểu hiện sau:

– Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích(sốc sốt xuất huyết Dengue).

– Xuất huyết nặng.

– Suy tạng.

cdc7224c3d5baa6dsot-xuat-huyet-1.jpg

 

3. Điều trị

Nguyên tắc điều trị:

– Bổ sung nước điện giải sớm, đủ tùy theo mức độ bệnh.

– Hạ thân nhiệt và thuốc an thần  khi có sốt cao(nhất là trẻ em và người già),

– Xử trí tốt mọi hình thái xuất huyết.

– Phát hiện và xử trí sớm khi có sốc.

– Nuôi dưỡng chăm sóc hộ lý tốt.

+ Với sốt xuất huyết Dengue: Phần lớn các trường hợp nên điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm diễn biến nặng xử trí kịp thời, chuyển tuyến trên khi có chỉ định.

Hạ thân nhiệt khi bệnh nhân sốt cao >38o5, lau mát bằng nước ấm, nới lỏng quần áo. Dùng thuốc hạ nhiệt paracetamol đơn chất liều 10 -15mg/kg cân nặng/lần cách nhau 4 – 6 giờ. Lưu ý không dùng quá liều 60mg/mg cân nặng/24 giờ. Không dùng thuốc Aspirin, Analgin, ibuprofen vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Bù dịch sớm bằng đường uống, khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol, nước trái cây, nước cháo loãng với muối. Khi bệnh nhân không uống được do nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, xét nghiệm Hematocrit tăng cao phải chỉ định truyền dịch.

+ Với các trường hợp sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và thể nặng thì cần nhập viện điều trị ngay.

4. Phòng bệnh:

Để dự phòng mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue cho mỗi cá nhân, gia đình và  không bùng phát thành dịch trong cộng đồng, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp sau:

– Thực hiện ngủ phải mắc màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ban ngày ở vùng có dịch.

– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để không cho muỗi vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thau rửa dụng cụ và thả cá vào các dụng cụ chứa nước.

– Hàng tuần tiến hành tổng vệ sinh trong nhà và xung quanh, thu dung tiêu hủy các dụng cụ phế thải, không để có các dụng cụ chứa nước tồn tại như chai lọ, ống bơ, lốp xe, vỏ dừa, bát vỡ…,lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

– Thực hiện phun hóa chất diệt muỗi định kỳ và khi có dịch.

– Tăng cường tuyên truyền cho mọi người dân ý thức và trách nhiệm trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết đối với cộng đồng.

– Khi có triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán bệnh, tư vấn, điều trị và theo dõi kịp thời.

unnamed.jpg

Sáng: 7h30 - 11h30 | Chiều: 13h30 - 17h