Đối tượng đau mắt đỏ bao gồm người lớn và trẻ nhỏ. Nguyên nhân của bệnh chủ yếu là do nhiễm Adeno virus. Nếu không có cách phòng tránh đúng đắn và điều trị kịp thời thì bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan trở thành những ổ dịch và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
BSCK I Lê Việt Cường– Phó Trưởng khoa Liên chuyên khoa- Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hoá chia sẻ: Dịch đau mắt đỏ năm nay có rất nhiều người bệnh chủ quan, khi bị bệnh không đi khám ngay mà tự ý mua thuốc điều trị tại nhà không theo bất cứ một đơn thuốc hay phác đồ điều trị chỉ định nào của bác sĩ. Đến khi bệnh kéo dài nhiều ngày không khỏi hoặc diễn biến nặng mới thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa.
Bệnh đau mắt đỏ thường khởi phát từ 3 đến 7 ngày, sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Các triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (các mạnh máu cương tụ đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ như: rỉ trắng do tiết tố dính nếu bệnh do virus, rỉ xanh hoặc vàng do bội nhiễm vi khuẩn. Ỏ trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp trên, sốt…
Bác sĩ Cường cho biết thêm, bệnh đau mắt đỏ nếu vệ sinh đúng cách và điều trị đúng phác đồ, kịp thời, người bệnh có thể khỏi trong khoảng từ 01 đến 02 tuần. Tuy nhiên nhiều người bệnh tự ý mua thuốc điều trị không theo tư vấn, đơn kê của bác sĩ dẫn đến bệnh kéo dài lâu khỏi, tiến triển nặng gây biến chứng viêm giác mạc. Mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có giả mạc, xuất huyết dưới kết mạc, đôi khi hình thành ổ viêm loét giác mạc… ảnh hưởng đến thị lực, sinh hoạt hằng ngày. Loét giác mạc có thể để lại tổn thương sẹo trên giác mạc gây giảm thị lực vĩnh viễn.
Bệnh thường khởi phát độ ngột, rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng trở thành ổ dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.Đặc biệt những người bị đau mắt đỏ rồivẫn có thể bị nhiễm lại do nhiễm nhiều chủng type khác nhau.
Bác sĩ Cường khuyến cáo: Để tránh bệnh đau mắt đỏ lây lan trở thành ổ dịch, mỗi người cần phải biết cách làm vệ sinh mắt cho đúng, vệ sinh mũi, miệng thường xuyên bằng dung dịch nước muối sinh lý. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay trước và sau khi làm vệ sinh tại mắt. Nếu mắt chảy nhiều nước mắt hoặc có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng bông gạc y tế dùng một lần, không nên sử dụng khăn mặt hoặc khăn giấy để vệ sinh sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy và đeo khẩu trang khi tiếp xúc để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh. Ngoài ra khi sử dụng riêng các vật dụng cá nhân. Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.
Tuyệt đối không điều trị đau mắt đỏ theo những hương thức truyền miệng dân gian như đắp lá trầu không, hơ ấm mắt…Khi bị đau mắt đỏ nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để
thăm khám và điều trị kịp thời theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý điều trị khi chưa được thăm khám, tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa.